Căn cứ vào tiến độ đầu tư các dự án xi măng, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng tạm dừng bổ sung quy hoạch đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng mới, đồng thời, cần có biện pháp kiểm soát, thúc đẩy thực hiện các dự án đã có trong quy hoạch, tránh dư thừa công suất, bảo đảm việc sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả.
Ông Nguyễn Quang Cung, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, qua theo dõi tình hình đầu tư các dự án xi măng, Bộ Xây dựng đã đề nghị không nên cấp phép ồ ạt, bởi cân đối cung - cầu xi măng đến năm 2015 đã được xác lập. “Nếu cấp phép tràn lan sẽ gây khó khăn cho tiêu thụ sau này, vì thực tế đến nay, đã có 8 dự án được cấp phép bổ sung vào quy hoạch”- ông nói.
Theo ông Cung, quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp xi măng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã xác định rõ tốc độ tăng trưởng và nhu cầu xi măng của toàn xã hội theo từng năm. Năm 2006, nhu cầu thực tế về xi măng của cả nước là 32,5 triệu tấn. Trong 5 tháng đầu năm 2007, nhu cầu về xi măng là 14,5 triệu tấn, cả năm 2007 sẽ khoảng 36 - 37,5 triệu tấn, phù hợp với dự báo nhu cầu trong quy hoạch theo phương án trung bình. Đặc biệt, các dự án đầu tư phát triển ngành công nghiệp xi măng về cơ bản đều đạt các chỉ tiêu tiên tiến về tiêu hao nhiên liệu, nguyên liệu, điện năng, vật liệu, nồng độ bụi của khí thải, cường độ tiếng ồn, mức độ tự động hoá, năng suất lao động, tỷ lệ chế tạo thiết bị trong nước. Như vậy, dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng nêu trong Quy hoạch là khá sát với thực tế, nên những dự án bổ sung quy hoạch nếu không cân đối kỹ sẽ rất dễ tác động xấu đến toàn ngành.
Mặc dù còn có một số dự án gặp khó khăn trong triển khai đầu tư, nhưng tiến độ đầu tư nói chung, khả năng huy động công suất của ngành xi măng trên thực tế sẽ cao hơn, góp phần giảm lượng clinker nhập khẩu hàng năm so với dự báo trong Quy hoạch. Dự báo từ năm 2009, Việt Nam sẽ có đủ xi măng đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước, không phải nhập khẩu clinker và có một phần xi măng xuất khẩu. Do đó, việc hạn chế cấp phép đầu tư mới xi măng tại thời điểm này là cần thiết.
Để đốc thúc các dự án xi măng một cách kịp thời, đảm bảo cung cấp xi măng cho thị trường như dự tính, Bộ Xây dựng đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Quy hoạch do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Trưởng ban, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan làm uỷ viên. Theo đó, hàng quý, Ban Chỉ đạo tiến hành họp kiểm điểm tiến độ đầu tư các dự án, phối hợp với chủ đầu tư rà soát tiến độ của từng dự án, tính toán lại cân đối cung - cầu xi măng hàng năm theo diễn biến của nền kinh tế đất nước. Đặc biệt, Bộ Xây dựng còn phối hợp với các bộ, ngành và Hiệp hội Xi măng Việt Nam tiến hành triển khai các phần việc theo nội dung được Chính phủ giao tại Quyết định số 108/2005/QĐ-TTg.
Có thể thấy rằng, cùng với mục tiêu đảm bảo nguồn cung cho thị trường, ngành xi măng cũng rất cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì thế, quản lý chặt chẽ việc đầu tư các nhà máy mới trên phạm vi toàn quốc được xem là một giải pháp cấp thiết, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của ngành xi măng trong những năm tới.
Hải Yến
|