Mất điểm trong phiên sáng 10/9, song chợ chứng khoán niêm yết cũng đã khá sôi động trong tuần qua và dự báo sẽ tiếp tục ấm lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, các giao dịch trên OTC vẫn đang gần như tê liệt và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Suốt hơn một tuần nay, trên các trang rao vặt OTC chỉ thấy rao bán mà ít thấy người hỏi mua, giá vẫn trong xu thế giảm.
Đáng chú ý, mặc dù có những nhận định khả quan trong lĩnh vực ngân hàng, cổ phiếu thuộc lĩnh vực này tiếp tục đi xuống. Tính thanh khoản nhìn chung không cao do nhà đầu tư không muốn bán ra ở mức giá hiện nay.
Hiện, cổ phiếu của Ngân hàng cổ phần nhà Hà Nội (Habubank) đã rớt xuống dưới ngưỡng 50.000 đồng, ở mức 47.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu của Ngân hàng thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VP Bank) giờ cũng chỉ còn ở mức 36.500 đồng/cổ phiếu. So với cách đây hai tuần, giá mỗi cổ phiếu này đã mất gần 5.000 đồng.
Tương tự, cổ phiếu của Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu VN (Eximbank) hiện chỉ còn 6,5 triệu đồng/cổ phiếu (mệnh giá 1 triệu đồng/cổ phiếu) so với mức 6,77 triệu đồng ngày 28/8.
Chịu chung số phận với cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu các lĩnh vực như điện tử, dầu khí hay thực phẩm... cũng trong tình trạng ế ẩm nhiều ngày nay.
Trên bảng giá OTC tham khảo của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), cổ phiếu của Công ty Bảo hiểm Dầu khí hôm 7/9 là 74.500 đồng, đến hôm qua xuống còn vỏn vẹn 70.000 đồng. So với thời điểm cuối tháng 3, giá mỗi cổ phiếu này đã mất ngót ngét 100.000 đồng.
Dù có tin sẽ niêm yết vào trung tuần tháng 9 này, cổ phiếu của Vincom vẫn giảm khá nhanh trong những ngày gần đây. Nếu như ngày 5/9, giá mỗi cổ phiếu Vincom là 119.000 đồng thì hôm nay chỉ còn 112.000 đồng. Tình hình ảm đạm cũng diễn ra tương tự với cổ phiếu của một số tên tuổi như cafe Biên Hòa, may Nhà Bè, Chợ Lớn...
Theo ông Lê Bá Hoàng Quang, thạc sĩ chuyên ngành chứng khoán trường Đại học Monash, Australia, thị trường OTC bao giờ cũng đi sau thị trường chính thức. Một tuần vừa qua, thị trường niêm yết đã có những tín hiệu khá tích cực, song ông Quang cho rằng Vn-Index vẫn chưa xác định được hướng đi rõ ràng và việc tăng giá vẫn chưa tạo thành một xu hướng. Ông Quang cho rằng, khi nào Vn-Index quay trở lại ngưỡng 1.000 điểm thì mới mong sự hồi phục của OTC.
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Quang Huy, Phó giám đốc Công ty chứng khoán Bảo Việt cho rằng, chỉ khi nào thị trường chính thức "bật" hẳn lên thì OTC mới có thể trở lại sôi động.
Tuy nhiên theo ông Quang, hiện tại cũng là thời điểm mà nhà đầu tư có thể xem xét mua cổ phiếu của các công ty, những lĩnh vực làm ăn tốt bởi hiện nay giá của các cổ phiếu trên OTC đang rất rẻ. Ông Quang cho rằng, dù có những điểm yếu là tính thanh khoản thấp, thông tin không rõ ràng, rủi ro cao, nhưng OTC lại có lợi thế là nếu tăng giá thì tăng rất nhanh và không có biên độ.
"Hôm nay mua 10.000 đồng/cổ phiếu ngày mai có thể bán 30.000 đồng, thậm chí 50.000 đồng. OTC là vậy, khi thị trường chính thức ảm đạm thì nó cũng ảm đạm gấp nhiều lần nhưng khi lên thì nó cũng lên nhanh hơn nhiều so với thị trường niêm yết", ông Quang nhấn mạnh.
Trong khi đó, về phía nhà đầu tư, một số người dù biết là giá cổ phiếu OTC đang rất rẻ vẫn không muốn mua bởi chưa rõ xu hướng thị trường sẽ ra sao nên không muốn mạo hiểm. Trong khi đó, những người khác lại chờ đợi giá xuống thấp hơn chút nữa mới mua vào.
"Trong bối cảnh thị trường đang diễn biến thất thường thế này, tôi nghĩ nên chờ đợi là hơn", anh Đức, nhà đầu tư sàn Vietcombank cho biết. Cũng như nhiều nhà đầu tư khác, sau khi nếm những quả đắng trên thị trường, giờ đây mọi quyết định bán mua của anh Đức đều được tính toán cẩn trọng hơn.
Hà Vy |