|
Teamgeist, trái bóng chính thức của World Cup 2006. |
|
|
Ngược dòng lịch sử
Ban đầu, quả bóng đá được làm từ bong bóng lợn, bong bóng bò. Tiếp theo có người nghĩ ra cách may một lớp áo da bao quanh những chiếc bong bóng này để giúp nó trở nên bền và khó vỡ hơn, những nhà quý tộc giàu có thì dùng da hươu còn những người bình dân sử dụng da bò và như thế trái bóng đã dần dần thai ngén hình dạng của nó. Thế nhưng bất lợi đối với những trái bóng bằng bong bóng động vật này là phải phụ thuộc vào hình dạng của cái bong bóng đó, nếu bong bóng càng tròn thì trái bóng khi đá ra sẽ càng bay chính xác theo ý người đá, nhưng đã là bong bóng tự nhiên thì biết lấy đâu ra một cái bóng có hình dạng chuẩn xác.
Phải chờ đến tận năm 1855 khi Charles Goodyear phát minh ra chiếc ruột bóng bằng cao su, rồi đến năm 1862 thì H.J. Lindon cải tiến nó thành ruột bóng có thể bơm hơi được và từ đấy những người đam mê môn bóng đá mới có được những quả bóng tròn hơn và có hình dạng ổn định hơn. Và cũng chỉ một năm sau, năm 1863, Liên đoàn Bóng đá Anh được thành lập và đặt ra luật chơi đầu tiên cho môn bóng đá và tất nhiên quy ước về trái bóng là điều đầu tiên trong bộ luật này. Kể từ đó bóng đá đã bước sang một trang mới, bóng đá hiện đại.
Những cải tiến hiện đại
Thời gian đầu, việc tạo hình tròn cho trái bóng làm đau đầu các nhà thiết kế và sản xuất bóng đá, việc khâu những miếng da để làm vỏ quả bóng luôn khiến trái bóng bị kéo dài ở hai đầu khiến nó trông khá giống như trái bóng bầu dục ngày nay tuy không thuôn bằng. Sau đó người ta nghĩ ra việc cắt những miếng da này thành những miếng hình cong nhỏ và ghép vào nhau và việc này đã giúp trái bóng trở nên tròn trịa hơn đây cũng chính là hình dạng của trái bóng “Tiento” được sử dụng ở World Cup đầu tiên năm 1930. Cùng với việc cố gắng cải tiến hình dạng cho trái bóng thì ruột bóng cũng được cải tiến để trở nên dày hơn để có thể chịu được áp lực mạnh từ những cú sút.
Trong những năm Thế chiến thứ II một cải tiến quan trọng khác cũng được phát minh đó là đưa thêm một chiếc vỏ phụ bằng vải lót giữa ruột bóng và vỏ bóng để có thể tạo hình quả bóng được dễ dàng hơn và làm cho quả bóng chắc chắn hơn. Cùng với đó lớp vỏ bằng da ở bên ngoài cũng được quét một lớp sơn bóng để chống thấm nước giúp cho việc thi đấu vào trời mưa được thuận lợi hơn.
Đến năm 1951, quả bóng bắt đầu được làm có màu trắng để giúp khán giả có thể quan sát được dễ dàng ngay cả dưới ánh sáng mờ của đèn chiếu. Cũng vào thời gian ấy, ở mỗi nước lại có trái bóng riêng của mình với hình dạng và kích thước khá khác nhau nên đã nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn trong việc chọn bóng của nước nào trong mỗi trận đấu bóng quốc tế khiến FIFA phải ra một điều luật chuẩn về hình dạng và kích cỡ của trái bóng.
Từ đầu những năm 1960, những quả bóng với vỏ bằng cao su tổng hợp để thay thế cho lớp vỏ bằng da vừa đắt tiền, vừa có độ dày không đồng đều đã xuất hiện, nhưng phải đến năm 1980 thì những quả bóng có lớp vỏ bằng chất liệu nhân tạo này mới hoàn toàn thay thế cho những trái bóng làm bằng da như trước kia.
Đầu thập niên 70 cũng xuất hiện một phát minh rất quan trọng, đó là trái bóng Buckminsterhay còn gọi là Buckyball. Đây là một phát minh quan trọng cho lớp vỏ của trái bóng. Nếu trước kia vỏ trái bóng thường được khâu bằng những miếng da to bản với những hình dạng khác nhau và điều này khiến những quả bóng thường khó đạt được một hình cầu chuẩn thì trái bóng Buckminster được khâu bằng 20 miếng da hình lục giác (màu trắng) và 12 miếng da hình ngũ giác (màu đen) đã cho một hình cầu thật chuẩn và đây cũng là công nghệ được sử dụng để sản xuất vỏ bóng cho đến ngày nay. Trái bóng Telstar của hãng Addidas được sử dụng tại World Cup Mexico 1970 là trái bóng đầu tiên có dạng này.
Những trái bóng chính thức của World Cup
Kể từ World Cup 1970 ở Mexico, FIFA đã chọn hãng Addidas là nhà cung cấp bóng thi đấu chính thức cho World Cup của mình. Và hãng này, mỗi kỳ World Cup, lại trình làng một mẫu bóng mới với tên gọi riêng và tất nhiên là có nhiều cải tiến so với các mẫu bóng trước.
|